Xua

Những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 8: Lịch sử của trường Trưng Vương và Võ Trường Toản _s2

Ở các bài viết về các ngôi trường trung học nổi tiếng nhất của Sài Gòn xưa, các ngôi trường đã được nhắc tới là Taberd, Gia Long, Petrus Ký, Marie Curie, Nguyễn Bá Tòng, Lê Quý Đôn, Bác Ái Học Viện, trong đó có hai trường nổi tiếng nhất Sài Gòn dành cho nam sinh và nữ sinh là Petrus Ký và Gia Long.

Trong phần tiếp theo của loạt bài viết cùng chủ đề này, xin nhắc tới 2 ngôi trường nổi tiếng nằm ở cạnh nhau, 1 trường nam sinh và 1 trường nữ sinh: Nam Võ Trường Toản – Nữ Trưng Vương.

Hai ngôi trường này có lịch sử khá thú vị, được thành lập gần như cùng 1 thời điểm, trên cùng một khu đất vốn là cơ sở cũ của ngôi trường Tây lâu đời nhất ở Sài Gòn.

Ngôi trường Tây đó mang tên d’Adran được xây dựng năm 1861 nằm ở địa chỉ số 3, trên con đường mà người Pháp đặt tên là Armand Rousseau, sau đó đổi tên đường thành Dr Angier, và từ năm 1955 đến nay mang tên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện bên kia đường là khu đất mà 3 năm sau đó, Thảo Cầm Viên được xây dựng. Sát bên trường là tu viện thánh Phao Lô vẫn còn lại đến ngày nay.

Ngôi trường này được đặt theo chức danh của giám mục Bá Đa Lộc, là giám mục hiệu toà Adran (évêque d’Adran). Trường d’Adran ban đầu do các linh mục Hội Thừa sai thành lập, đến năm 1866 thì trường này được trao lại cho các tu sĩ dòng La San. Đây là các tu sĩ dòng La San đầu tiên đến Đông Dương. Năm 1867, dòng La San mở thêm chi nhánh trường ở Chợ Lớn, Mỹ Tho, rồi Vĩnh Long và Sóc Trăng năm 1869.

Đường Dr Angier, nay là Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay phía trước cổng trường d’Adran ngày xưa

Trường Adran dạy bậc trung học và tốt nghiệp lấy bằng Thành Chung (cấp 2 ngày nay), đi đầu trong việc dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp chỉ coi như là một ngoại ngữ, ban đầu mọi chi phí của trường đều do Hội thừa sai đài thọ, về sau chính quyền thuộc địa tài trợ kinh phí và hoạt động cho trường.

Tuy nhiên, tới năm 1879, chính quyền ở Pháp thay đổi chính sách, ngưng tài trợ trường tư ở các nước thuộc địa. Vì vậy, các trường dòng La San tại Việt Nam không được chính quyền cấp chi phí nữa, trường d’Adran Sài Gòn đóng cửa vào khoảng năm 1887, toàn bộ học sinh của trường được chuyển qua Trường Trung học La San Taberd vừa được thành lập (nay là trường Trần Đại Nghĩa trên đường Nguyễn Du).

Đến năm 1910, cơ sở cũ của trường d’Adran trở thành trường Des filles Françaises (Institution municipale de filles à Saigon), một ngôi trường nữ sinh Pháp. Ngoài ra cơ sở này cũng từng là trường Collège des Interprètes – ngôi trường chuyên đào tạo thông ngôn cho Pháp. Trường Collège des Interprètes nằm ngay bên cạnh Thảo Cầm Viên nên thường được gọi là trường Sở Cọp, sau đó đổi tên thành Collège dé Stagiaires, đào tạo các quan cai trị thuộc địa, giáo sư trường này có 2 người Việt danh tiếng là Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký.

Đến năm 1922, trường Institution municipale de filles à Saigon đổi thành trường École Normale d’Instituteurs (Sư Phạm Thực Hành), chuyên đào tạo thầy cô giáo bậc sơ học và tiểu học. Trường này còn được gọi và viết là École Normale, là ngôi trường duy nhất của cả xứ Nam Kỳ đào tạo giáo sinh, sau này thường được gọi bằng cái tên tiếng Việt là trường Sư Phạm Nam Việt.

Hình này được chụp từ máy bay vào thập niên 1930. Khu nhà Ecole Normale d’instituteurs ở chính giữa hình. Góc dưới bên phải là Tháo Cầm Viên. Ngôi nhà màu trắng ở góc trên bên phải (ngay cánh máy bay) là trụ sở công ty xăng dầu ở số 15 Norodom (nay là Lê Duẩn). Khu nhà bên trái là tu viện Thánh Phao Lô do Nguyễn Trường Tộ thiết kế

Trường sư phạm có diện tích là một mẫu tây rưỡi. Mặt tiền bị che khuất bởi những tàng cây rậm rạp và cao hơn hẳn những cây sồi ở Pháp.

Ba tòa nhà của trường có hình móng ngựa, tòa nhà chính nhìn ra đường, có phòng ban giám hiệu, thư viện và phòng thí nghiệm, giảng đường và phòng hội họa. Hai tòa nhà phụ thẳng góc với tòa nhà chính, tầng trệt gồm nhiều lớp học, phòng trú ẩn và nhà bếp. Hai tầng trên của ba tòa nhà được dùng làm phòng ngủ, phòng tắm, bệnh xá và phòng cho các giám thị.

Khu nhà Ecole Normale d’instituteurs nằm bên phải hình. Bên trái là là tu viện Thánh Phao Lô do Nguyễn Trường Tộ thiết kế, xây dựng

Sau 20 năm hoạt động, vào năm 1942 trường École Normale d’Instituteurs lấy lại tên ban đầu là Collège d’Adran.

Đến tháng 7 năm 1947, khu nhà được tách ra một phần để trở thành quân y viện Coste của quân đội Pháp (sau 1955 được gọi là dưỡng đường Chi Lăng thuộc quản lý của quân đội). Trong khi đó, một phần cơ sở của trường d’Adran cũ vẫn là trường sư phạm Nam Việt, đến năm 1955 thì trường Võ Trường Toản được thành lập với cơ sở vật chất của Trường Sư phạm Nam Việt cũ.

Sau tròn 10 năm là cơ sở của quân y, đến năm 1957, quân y viện dời về bên đường Hùng Vương, khu đất trường d’Adran trở lại thành cơ sở dành cho giáo dục, chia thành 3 phần:

Dãy nhà bên trái (vốn là quân y viện cũ) thành trường Trưng Vương (dành cho nữ sinh), phần giữa là Nha Tổng Giám Đốc Trung Học (sau này là Nha khảo thí, lo việc thi cử ở bậc Trung Học), dãy bên phải góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du (cơ sở trường sư phạm Nam Việt cũ) là trường Võ Trường Toản (dành cho nam sinh).

Trường nam sinh Võ Trường Toản

Trường Võ Trường Toản được đặt theo tên một già giáo nổi tiếng ở Gia Định vào cuối thế kỷ 18, được mô tả là “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” và có công đào tạo ra nhiều danh nhân của Việt Nam.

Trong năm đầu thành lập (1955-1956), trường chỉ có 3 lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ) và nhận học sinh có điểm đậu kế tiếp của trường Petrus Ký (nghĩa là nếu rớt trường Petrus Ký thì nộp đơn vô Võ Trường Toản để được xét tuyển). Từ sau đó trường đã có những bước phát triển rất nhanh, từ niên khoá thứ 2 trở đi đã tự tổ chức tuyển sinh vào Đệ thất, đến năm 1960 đã mở đến lớp Đệ nhất (lớp 12).

Advertisement

Đến năm 1961, trường Võ Trường Toản được Bộ Quốc gia Giáo dục công nhận chính là trường trung học đệ nhị cấp, với tôn chỉ đào tạo học sinh là Học vấn – Đạo đức – Kỷ luật, nhằm thực hiện triết lý chung của ngành giáo dục là Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng.

Ban đầu, các cấp học trung học của trường lần lượt là Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất. Từ niên khoá 1970-1971 tên gọi thay đổi giống như hiện nay: lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12.

Từ niên khoá 1971-1972, trường mở thêm hệ bán công (thu học phí) học vào buổi tối, hệ này thu nhận cả nữ sinh. Đến niên khoá 1974-1975 hệ bán công có 21 lớp học (từ lớp 6-12, mỗi cấp học có 3 lớp).

Cơ sở vật chất của trường tương đối khang trang: 21 phòng học; phòng thí nghiệm; thư viện; các phòng làm việc của Ban Giám đốc, giáo sư và nhân viên trường; phòng sinh hoạt học đường, sinh tiếp vụ, phòng hớt tóc, sân quần vợt, sân thể thao đa dụng (bóng chuyền, bóng rổ, vũ cầu, võ thuật); nhà thi đấu bóng bàn, câu lạc bộ. Tượng Hiệu tổ Võ Trường Toản do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc, được đặt trang trọng giữa một hoa viên sát cổng trường.

Từ năm 1974, ngày 10 tháng 1 hàng năm được chọn là Ngày Truyền thống của trường. Trong ngày này Ban Giám đốc, các giáo sư, học sinh tổ chức lễ dâng hương tại tượng Hiệu tổ; tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể thao giữa các lớp cũng như giao lưu với các trường bạn; tổ chức triển lãm bích báo (báo tường), các công trình và thiết bị khoa học, kỹ thuật do học sinh tự thiết kế, các gian hàng giới thiệu kỹ năng thủ công, gia chánh của học sinh; tổ chức họp mặt cựu giáo sư và cựu học sinh.

Sau năm 1975, trường được tổ chức lại, gộp 2 hệ công lập công lập và bán công để trở thành trường công lập Võ Trường Toản, không còn lớp tối và nam sinh – nữ sinh học chung. Từ năm học 1977-1978 trở đi, trường chuyển thành trường cấp 2 (chỉ từ lớp 6-9), hiện nay mang tên là trường THCS Võ Trường Toản.

Theo thông tin từ Hội ái hữu cựu học sinh Võ trường Toản, thì học sinh của trường phải mặc đồng phục như sau:

Nam sinh: Áo sơ mi trắng, quần dài màu xanh dương; Nữ sinh (lớp tối hệ bán công từ năm 1971): Áo dài trắng, quần dài trắng (hoặc đen).

Từ niên khoá 1972-1973 trở về trước, học sinh Võ Trường Toản phải mang Bảng tên. Bảng tên mỗi cấp lớp khi vào học lớp Đệ Thất có màu khác nhau và không thay đổi trong suốt 7 năm học tại trường.

Thẻ học sinh của nhạc sĩ Phượng Vũ (tác giả bài Áo Nhà Binh) tại trường Võ Trường Toản khóa 1960-1967

Từ niên khoá 1973-1974 đến năm 1975, thực hiện quy định chung của Bộ Quốc gia Giáo dục, học sinh trường không đeo bảng tên nữa, thay bằng Phù hiệu may vào túi áo. Phù hiệu có thêu huy hiệu trường Võ Trường Toản Chim câu trắng tung cánh trên nền xanh da trời mang ý nghĩa Học sinh Võ Trường Toản ra sức học tập, rèn luyện đạo đức sẵn sàng phụng sự Tổ quốc.

  • Bảng vải chữ màu xanh, nền trắng: Lớp 6 đến lớp 9.
  • Bảng vải chữ màu đỏ, nền trắng: Lớp 10 đến lớp 12.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh đầy kỷ niệm của trường Võ Trường Toản xưa:

Trường nữ sinh Trưng Vương

Cũng như trường Võ Trường Toản, trường nữ sinh Trưng Vương được kế thừa cơ sở của trường trung học lâu đời, sau này từng trở thành quân y viện của Pháp như đã nhắc đến bên trên. Từ năm 1955, dãy nhà chữ U của khu nhà trở thành quân y viện Chi Lăng, đến năm 1957 đổi lại công năng ban đầu để trở thành trường nữ Trưng Vương, đón số giáo sư và học sinh trường Trưng Vương Hà Nội di cư vào Sài Gòn sau hiệp định Geneve. (Trường Trưng Vương Hà Nội trước đó có tên là trường nữ sinh Đồng Khánh Hà Nội, xem bài chi tiết tại đây: https://chuyenxua.net/nhung-hinh-anh-hiem-100-nam-truoc-cua-truong-nu-sinh-dong-khanh-ha-noi-nay-la-truong-trung-vuong/).

Ban đầu, từ 1955-1957, nữ sinh Trưng Vương từ Hà Nội vào phải học tạm tại Trường nữ sinh Gia Long (khoá buổi chiều). Năm 1957, trường chính thức về tại số 3 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiếp quản cơ sở của Quân y viện Chi Lăng, nằm sát bên cạnh Trường nam sinh Võ Trường Toản.

Cho đến nay, trường Trưng Vương vẫn giữ được kiến trúc đặc trưng thời Pháp, với khung cửa sổ gỗ cao màu xanh lá nổi bật trên nền tường vàng, mái ngói đỏ sẫm.

Từ năm khi được thành lập cho đến năm 1979 thì trường Trưng Vương chỉ nhận nữ sinh, từ 1979 cho đến nay thì dạy cả nam lẫn nữ. Trước đó, nữ sinh Trưng Vương với áo dài trắng thướt tha đã được đi nhiều vào trong thi ca và âm nhạc, đã khiến nhiều trái tim nam sinh thổn thức. Trong đó, có nhiều cuộc tình lãng mạn giữa nữ sinh Trưng Vương và nam sinh trường Võ Trường Toản ở cạnh bên.

Nhạc sĩ Nam Lộc đã chuyển lời Việt cho ca khúc Tell Laura I Love Her thành bài Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu để ca ngợi những mối tình học trò trong sáng và tươi đẹp đó. Giai điệu và lời ca trữ tình của bài hát đã làm cho ngôi trường Trưng Vương đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ với những kỷ niệm nên thơ: “Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời. Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời…”

Mời các bạn xem lại những hình ảnh đầy kỷ niệm của trường nữ Trưng Vương năm xưa.

  

Trường Trưng Vương hiện nay:

Ảnh: VnExpress

Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *