Xua

Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 10: Ngã tư Hàng Xanh (Hàng Sanh) _s2

Ngã tư Hàng Xanh là nút giao thông quan trọng bậc nhất của Sài Gòn – Gia Định từ khi mảnh đất này được khai phá cho đến nay. Đây cũng là nơi mà vị trí trọng yếu kết nối con đường thiên lý phía Bắc, từ Gia Định về phía kinh đô Huế.

Khi đó, từ Gia Định có 3 con đường thiên lý để đi về 3 hướng: Đường thiên lý phía Tây đi Cao Miên, đường Thiên Lý phía Nam đi về lục tỉnh (về phía Tây Nam Bộ hiện nay). Và đường Thiên Lý quan trọng nhất là đi về phía Bắc thẳng hướng kinh đô Huế từ cái mốc ngã tư Hàng Xanh. Ngày xưa con đường này gọi là đường Cái Quan, ngày nay chính là QL1.

Ngã tư Hàng Xanh trước năm 1975 thuộc tỉnh Gia Định, là giao lộ của 2 đường Hùng Vương (tức Hồng Thập Tự nối dài, ngày nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) và đường Xa Lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Ngày xưa Xa Lộ Biên Hòa kéo dài cho đến tận cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ), ngày nay đoạn đường từ cầu cho đến ngã tư Hàng Xanh trở thành một đoạn của đường Điện Biên Phủ.

Lý giải về tên gọi Hàng Xanh, giả thuyết được nhiều người đồng thuận nhất là vì thời xưa ở khu vực này trồng nhiều cây sanh, là loại cây lớn cùng họ với đa, đề, si…

Cây Sanh được trồng dọc hai bên đường Bạch Đằng ngày nay kéo dài đến ngã tư này. Vì vậy mà ngày xưa đường Bạch Đằng thường được gọi là đường Hàng Sanh.

Dễ hiểu về cách gọi tên như vậy, vì Sài Gòn vốn từng là rừng rậm, cho đến tận giữa thế kỷ 20 vẫn còn nhiều vết tích của các loại cây cối từng sinh sôi nảy nở trên mảnh đất này. Có rất nhiều địa danh ở Sài Gòn được đặt tên từ các loài cây như: cây Vắp (Gò Vắp), câu Sung, câu Quéo, cây Điệp, cây Thị, cây Trâm, cây Gõ, Vườn Xoài, Vườn Chuối, Vườn Trầu, Vườn Lài… và có thể là cả cây Gòn trong cái tên Sài Gòn.

Advertisement

Trở lại với Ngã Tư Hàng Sanh, thời trước thập niên 1960, chỗ này vẫn là ngã 3, cho đến đầu thập niên 1960, sau khi cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn) được xây dựng, có thêm một nhánh đường đi Biên Hòa được gọi là Xa Lộ Biên Hòa, thì chỗ này mới thành Ngã 4 Hàng Sanh.

Bảng chỉ dẫn tên đường ở Ngã 4 Hàng Xanh. Đi thẳng là qua cầu Tân Cảng để đi Biên Hòa, quẹo trái về tỉnh Gia Định, Bà Chiểu, quẹo phải về trung tâm Sài Gòn

Vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, đây là một giao lộ đồng mức thuộc loại hiện đại, với hệ thống dải phân cách, phân luồng và đèn tín hiệu giao thông được cách âm chôn hoàn toàn dưới lòng đất và vẫn còn sử dụng tốt cho đến năm 1995.

Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà khi lên Sài Gòn học, năm 1943 ông ở trọ tại Hàng Sanh; sau đó ông có sáng tác bài thơ “Nhạc Xe Bò”, có đoạn:

Đêm xưa trăng mới đứng đầu
Đoàn xe bò đã qua cầu Hàng Sanh
Nhạc xe bò rộn âm thanh
Khô khan mà thảm, mong manh mà sầu
Bánh xe lốc cốc
Lên dốc đầu cầu

Sau năm 1975, bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của thi sĩ Du Tử Lê được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc có lời nhắc đến Hàng Xanh như sau:

Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh.

Xa lộ trong bài thơ – bài hát này chính là Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa như đã nhắc ở bên trên, xuất phát từ điểm đầu là cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) đi qua ngã tư Hàng Sanh rồi thẳng QL1 đến Biên Hòa..

Sau đây mời các bạn xem một số hình ảnh khác ở khu vực Hàng Xanh – Hàng Sanh trước năm 1975:

Ngay chính giữa ngã tư có một ngôi chùa mà ngày nay vẫn còn, đó là chùa Phước Viên được thành lập từ năm 1928.

Advertisement


chuyenxua.net

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *