Xua

Lịch sử hình thành và loạt hình ảnh ngày xưa của Chợ Lớn _s2

Ngày nay, khi nhắc tới tên Chợ Lớn, người ta thường nghĩ đến khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tàu Hủ trải dài trên địa bàn Quận 5 và Quận 6, về phía nam tới Quận 8 và về phía bắc tới Quận 10 và Quận 11. Tuy nhiên, thời thế kỷ 19, tên Chợ Lớn là để gọi cho khu Chợ Lớn (ở vị trí bưu điện quận 5 hiện nay), cũng là tên gọi của thành phố Chợ Lớn và tỉnh Chợ Lớn, tách biệt với thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Từ lâu, Chợ Lớn đã là nơi sinh sống của người Hoa và được coi là khu phố Tàu rộng nhất thế giới.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, do quá trình đô thị hóa nên Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau, chính thức từ năm 1932.

Một khu nhà ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19, góc đường des Jarrdin – Gaudot, sau năm 1955 là góc Nguyễn Văn Thạch – Khổng Tử, nay là đường Nguyễn Thi – Hải Thượng Lãn Ông

Từ thế kỷ 17, khu vực Chợ Lớn chủ yếu là nơi định cư của người Hoa không thần phục nhà Thanh, bỏ Trung Quốc để sang sinh sống, thành lập làng Minh Hương. Tuy nhiên vùng đất này chỉ thực sự đông đúc khi người Hoa ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) đến đây lánh nạn vào cuối năm 1778, khi quân Tây Sơn tàn phá nơi ở của họ.

Khi người Hoa ở Cù Lao Phố đến Chợ Lớn và bắt đầu hòa nhập vào cộng đồng Minh Hương có sẵn, thì chỉ 4 năm sau Tây Sơn lại đánh vào tới thành Phan Yên (tức thành Phiên An, sau này là thành Sài Gòn) ở Gia Định lần thứ 2, đánh luôn vào khu người Hoa ở đó. Tuy chịu nhiều đại nạn vì thời cuộc, nhưng người Hoa vẫn xây dựng Chợ Lớn thành một nơi nhộn nhịp, sau này phát triển thành một trung tâm thương mại sầm uất, trung tâm của việc giao thương buôn bán là khu chợ tên là chợ Lớn, nằm ở vị trí bưu điện quận 5 hiện nay.

Chợ Lớn (cũ) nằm ở vụ trí Bưu điện Chợ Lớn hiện nay

Ban đầu, ngôi chợ này mang tên là chợ Sài Gòn, là chợ lớn nhất toàn vùng nên cũng thường được gọi là Chợ Lớn.

Sau khi người Pháp chiếm được thành Gia Định năm 1859, họ đã cho dời chợ Sài Gòn về khu Bến Thành để thành lập thành phố Sài Gòn như là một trung tâm hành chính lớn nhất ở miền Nam, từ đó chợ Sài Gòn cũ chính thức mang tên là Chợ Lớn. Sang đầu thế kỷ 20, sau khi Chợ Lớn (mới), tức là chợ Bình Tây được đại phú gia Quách Đàm xây dựng thì Chợ Lớn (cũ) được đập bỏ vì xuống cấp, ở vị trí này xây lên một bưu điện vẫn còn cho đến nay (bưu điện Chợ Lớn).

Bưu điện Chợ Lớn

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Chợ Lớn. Chuẩn đô đốc Théogène François Page nhanh chóng nhận ra tiềm năng thương mại ở Chợ Lớn, để có đầy đủ lương thảo cung cấp cho binh lính viễn chinh, ông nhanh chóng cho xây dựng các kho hàng và mở cửa cảng Sài Gòn – Chợ Lớn cho việc buôn bán. Thời điểm đó, Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại, tiếp viện thực phẩm cho quân Pháp. Cũng vì lý do này mà tướng Nguyễn Tri Phương đã cho quân cắt đường quân Pháp từ đồn Cây Mai vào Chợ Lớn, nơi này trở thành một trận địa lớn giữa Pháp và quân triều đình.

Viên sĩ quan Pháp tên là Léopold Pallu đã nhận định về tầm quan trọng của Chợ Lớn thời điểm đó như sau:

“Thành phố người Hoa là chìa khóa của tất cả thương mại ở Nam kỳ miền dưới. Ai kiểm soát được thành phố này là nắm hết khả năng sinh hoạt của người dân trong phần đất An Nam này”.

Vì vậy, chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm được vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, khu Chợ Lớn đã thay đổi nhanh chóng, giao thương ngày càng tấp nập, chủ yếu do các bang trưởng người Hoa quản trị về hành chánh, thuế nhẹ và ít bị người Pháp can thiệp. Từ nửa sau của thế kỷ 19, nếu như người Pháp quy hoạch và xây dựng thành phố Sài Gòn như là một trung tâm hành chính, thì Chợ Lớn vẫn là trung tâm thương mại lớn nhất toàn miền Nam.

Ngày 6/6/1865, chính quyền Pháp thành lập thành phố Chợ Lớn, danh từ Chợ Lớn lần đầu được dùng đặt tên cho một thành phố. Trong tất cả các văn kiện đều dùng tên gọi là Ville de Chợ Lớn. Thành phố Chợ Lớn bao gồm phần trung tâm là ngôi chợ Lớn (chợ cũ, vị trí bưu điện Chợ Lớn hiện nay) và các thôn bao quanh, cùng thuộc Tổng Phong Thượng cũ của hạt thanh tra Chợ Lớn.

Hạt thanh tra Chợ Lớn được thành lập sau thành phố Chợ Lớn chỉ 2 năm, theo quyết định ngày 16/8/1867 của Soái phủ Sài Gòn, trên cơ sở một số tổng của huyện Tân Long phủ Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định.

Chợ Lớn năm 1938, góc đường Bonhoure – Testard, nay là Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm

Ban đầu, ranh giới của thành phố Chợ Lớn, vốn nằm bên trong hạt thanh tra Chợ Lớn, vẫn chưa thực sự rõ ràng, vì vậy đến ngày 31/10/1869, Thống đốc Nam kỳ quyết định thành lập một ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu đề án ấn định ranh giới thành phố Chợ Lớn. Từ sau đó, nhiều khu vực thuộc thôn Bình Tây, làng Bình Đông và một số làng khác thuộc tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định được sáp nhập vào thành phố Chợ Lớn.

Năm 1879, Thống đốc Nam kỳ ban hành nghị định công nhận thành phố Chợ Lớn là đô thị loại 2 ngang với cấp tỉnh, cùng với các thành phố Tourane (Đà Nẵng) và Phnompenh (Nam Vang) được thành lập sau này của Liên bang Đông Dương.

Ngày 1/7/1882, tuyến đường xe điện đầu tiên ở Việt Nam dài 5km, rộng 1m, nối Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu hoạt động.

Xe lửa tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1905, lúc này đầu máy vẫn chạy bằng động cơ hơi nước, trước mũi xe nhả khói

Xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn

Thành phố Chợ Lớn là đơn vị hành chính tách biệt hẳn với tỉnh Chợ Lớn (được chính thức thành lập từ ngày 1/1/1900, trên cơ sở đổi tên từ hạt thanh tra, sau đó là hạt tham biện Chợ Lớn), tuy nhiên, trụ sở các cơ quan chính quyền của tỉnh Chợ Lớn đều đặt tại thành phố Chợ Lớn. Vì lý do này mà trong nhiều thời kỳ, vị Thị trưởng Chợ Lớn kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ tỉnh Chợ Lớn, và tỉnh Chợ Lớn cũng là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ vào thời gian đầu thế kỷ 20.

Toàn cảnh trung tâm Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 (Ngã Năm Chợ Lớn)

Thời Pháp thuộc, trung tâm hành chính của thành phố Chợ Lớn nằm ở vị trí trường Đại học Y Khoa Sài Gòn sau này, bao gồm dinh tỉnh trưởng, tòa thị sảnh và dinh tham biện Chợ Lớn như trong hình như sau:

Trung tâm hành chính thành phố Chợ Lớn ở trị trí từ kinh Tàu Hủ theo đường Jaccareo (nay là Tản Đà) đi vào đến cuối đường gặp đường Charles Thomson (nay là Hồng Bàng), cách không xa chợ Lớn (cũ).

Đường Jaccareo, cuối đường này, bên trái là trung tâm hành chính của Chợ Lớn

Một số hình ảnh khác của khu nhà dinh tỉnh trưởng, dinh tham biện Chợ Lớn và tòa thị sảnh (ở vị trí ngày nay là trường ĐH Y Dược):

Văn phòng tòa tham biện Chợ Lớn

Hình ảnh tòa thị sảnh (Dinh Xã Tây) Chợ Lớn:

Tòa thị sảnh, là Dinh Xã Tây của Chợ Lớn. Dấu tích còn lại ngày nay là một ngôi chợ nhỏ tên là Xã Tây ở gần vị trí này

Hình ảnh dinh tỉnh trưởng Chợ Lớn.

Dinh tỉnh trưởng Chợ Lớn (trong hình ghi sai thành tòa tham biện Chợ Lớn)

Thời điểm đầu thế kỷ 20, tỉnh trưởng tỉnh Chợ Lớn kiêm nhiệm thị trưởng của thành phố Chợ Lớn:

Ngày 27 tháng 4 năm 1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 30 tháng 6 năm 1951, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam ký sắc lệnh số 311-cab/SG đổi tên Khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn.

Chợ Lớn năm 1931

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để ” thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam”. Theo Sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn, ngoài ra phần lớn diện tích của tỉnh Chợ Lớn được sáp nhập với tỉnh Tân Anh để thành tỉnh Long An, từ đó tên gọi “Chợ Lớn” không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh nữa, chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực quận 5, quận 6 và một phần quận 11 của Đô thành Sài Gòn. Sau 1975, thành đô Sài Gòn (bao gồm khu Sài Gòn – Chợ Lớn) sáp nhập với tỉnh Gia Định để mang tên mới là TPHCM cho đến nay.

Nhắc đến giao thương ở Chợ Lớn là nhắc đến kiểu buôn bán trên bên dưới thuyền với rất nhiều kinh rạch lớn nhỏ, tuy nhiên sau này những con rạch nhỏ đã bị lấp gần hết trong quá trình đô thị hóa.

Theo đúng tên gọi, kinh là những con kinh được đào bằng sức người, còn rạch là những con rạch có sẵn, như rạch Chợ Lớn nối từ rạch Bến Nghé vào đến tận khu chợ Lớn.

Hoạt động thương mại ở Chợ Lớn phát triển kéo theo nhu cầu mở rộng đô thị. Chính điều này dẫn đến việc lấp rạch Chợ Lớn. Con rạch này đã có từ lâu đời, đến năm 1925 được lấp thành đường giao thông.

Đoạn gần rạch Lò Gốm thành đường Trương Tấn Bửu (nay là đường Lê Quang Sung), đoạn giữa vốn là những ụ chuyên đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, thành bến xe Chợ Lớn, đoạn giáp với rạch Tàu Hủ thành đường Khổng Tử (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông).

Năm 1928, trên bờ rạch Chợ Lớn cũ, chợ Bình Tây (tức Chợ Lớn mới) do Quách Đàm (một người Hoa) xây dựng khánh thành, hoạt động mua bán càng thêm sầm uất nên ít ai còn nhớ con rạch này.

Khu chợ do Quách Đàm xây có tên chính thức là chợ Bình Tây, nhưng nó trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên chính bản thân nó cũng thường được gọi không chính thức là chợ Lớn mới.  Một số hình ảnh chợ Bình Tây:

Advertisement

Ông Quách Đàm xây ngôi chợ đồ sộ này tặng cho chính quyền thành phố Chợ Lớn, dổi lại, ông chỉ xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ, một trong những dãy nhà đó ở hình sau:

Trụ sở công ty Thông Hiệp của thương gia Quách Đàm, số 45 quai Gaudot, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn

Đặc trưng dễ thấy nhất đối với nhà phố ở Chợ Lớn là các nhà dạng ống của người Hoa ở các đường ven rạch nước, người Tây gọi là các shophouse.

Người Hoa đã mang kiểu nhà này từ Nam Trung Hoa đến thành phố Sài Gòn vào đầu thế kỷ 18. Đó là kiểu nhà có chiều ngang hẹp 3-4m và chiều dài gấp 4-5 lần chiều ngang, tầng trệt là nơi buôn bán, tầng lầu là nơi ở của gia đình chủ nhân, ngay phía sau dãy nhà là những nhà kho rộng lớn, sâu vào trong có khi tới cả trăm mét, là nơi chứa hàng hóa, lúa gạo của các thương gia người Hoa ở đây.

Một số hình ảnh hơn 100 năm trước của các nhà thương, bịnh viện lớn ở khu vực Chợ Lớn:

Bịnh viện Chợ Rẫy xưa:

Bảo sanh viện, nay là bệnh viện phụ sản Hùng Vương:

Phía trước bệnh viện là đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho

l´Hôpital Drouhet trên đường Charles Thomson, nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trên đường Hồng Bàng:

Một số hình ảnh trường học ở Chợ Lớn:

Trường nam tiểu học thành phố Chợ Lớn:

Ngôi trường này nằm trên đường Charles Thomson (nay là Hồng Bàng), kế bên Hôpital Drouhet (nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch), đối diện là tòa tham biện Chợ Lớn (nay là trường đại học Y Dược).

Sau này, trường đổi tên thành trường tiểu học Hùng Vương, từ sau 1975 đến nay là trường Trung học Hùng Vương.

Trường Pháp Hoa:

Năm 1908, bang trưởng bang Phúc Kiến, đồng thời là hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn là Tạ Mã Điền (Tja Ma Yeng) đã tài trợ tài chánh để xây dựng và lập ra trường trung học Pháp-Hoa, tên chính thức là Lycée Franco-Chinois (Pháp Hoa).

Từ 1955 đến 1975, trường mang tên là trường trung học Bác Ái Học Viện, là ngôi trường lâu đời và lớn nhất của người Hoa ở Chợ Lớn.

Trường trung học Bác Ái Học Viện hoạt động đến năm 1975 thì bị giải thể, đến năm 1976 trở thành trụ sở của trường Cao đẳng Sư phạm TpHCM, trên cơ sở trường Sư phạm cấp 2 miền Nam Việt Nam được thành lập từ năm 1972.

Trụ sở trường năm 1990, khi là trường cao đẳng sư phạm

Từ năm 2003, trường Cao đẳng sư phạm bắt đầu được nâng cấp thành bậc đại học, đến năm 2007 thì cơ sở trường Bác Ái Học Viện cũ chính thức trở thành trụ sở trường Đại Học Sài Gòn cho đến nay.

Trường đại học Sài Gòn (SGU)

Những cây cầu ở Chợ Lớn

Như đã nói đến ở trên, khu vực Chợ Lớn có rất nhiều kinh rạch, vì vậy nơi này có nhiều cây cầu nổi tiếng, độc đáo nhất là Cầu Ba Cẳng:

Cầu 3 cẳng ở Chợ Lớn. bắc qua một cái Vàm (Ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, tiền xây dựng được nhà báo Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ đóng góp (vợ ông Sâm là em gái của thương gia Trương Văn Bền). Cầu có tên tiếng Pháp là “Pont des 3 arches” (cầu có 3 nhịp vòng).

Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về cầu như sau: “Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng.”

Cầu đã bị sập hồi năm 1990. Ngày nay, vị trí cầu này ở chỗ nối 3 đường Phan Văn Khỏe, Bến Bãi Sậy và Trịnh Hoài Đức.

Bắc qua kinh Tàu Hủ, từ quận 5 qua bên quận 8 ngày nay có cây cầu mà hầu như người Sài Gòn nào cũng nghe tên, đó là cầu Chà Và. Tên của cây cầu này có lịch sử hình thành đã tròn 100 năm. Còn trước đó từ thập niên 1920 trở về trước, có một cây cầu khác mang tên Malabars, vì xuống cấp nên bị phá bỏ và được thay thế bằng cầu Chà Và. Hai cây cầu này cách nhau chỉ vài chục mét, nằm ở vị trí có đông đúc người Ấn Độ định cư và buôn bán, vì vậy tên của 2 cây cầu đều có gốc gác liên quan đến người Ấn, đó là Malabars và Chà Và.

Cầu Chà Và xưa

Cầu Malabars

Cầu Malabars làm bằng sắt, khá giống với cầu Mống, nên có thể đoán rằng cầu này được xây dựng cùng lúc với cầu Mống (khoảng năm 1893). Cùng với sự kiện rạch Chợ Lớn, kinh Vạn Kiếp bị lấp vào năm 1925 để làm thành đường và xây cầu Chà Và (thay cho cầu Malabars), có thể suy đoán rằng cầu Malabars đã tồn tại từ năm 1893 đến 1925.

Khi cầu Malabars được thay thế bằng một cây cầu mới ở khu vực có nhiều người Chà Và sinh sống, giao thương, người dân gọi là cầu Chà Và, và cái tên cầu này còn giữ nguyên đến tận ngày nay sau tròn 100 năm.

Cầu Chữ Y

Cầu Chữ Y nối liền Quận 5 νới Quận 8. Cầu ᴄó hình ᴄhữ Y, từ đườnɡ Nɡuyễn Biểu ᴄủa Quận 5 bắᴄ qua hai ᴄᴏn kênh: kênh Tàu Hủ νà kênh Đôi để sanɡ khu νựᴄ ᴄhợ Rạᴄh Ônɡ νà khu νựᴄ ᴄù laᴏ Chánh Hưnɡ ᴄủa Quận 8.

Cầu ᴄhữ Y đượᴄ bắt đầu thiết kế từ nǎm 1937, khởi ᴄônɡ ᴄhính thứᴄ νàᴏ nɡày 13 thánɡ 12 năm 1938, đến 20 thánɡ 8 năm 1941 thì hᴏàn thành. Cầu ᴄó ba nhánh tạᴏ thành ᴄhữ Y, nên đượᴄ nɡười dân đặt luôn tên này, lâu nɡày tɾở thành tên ᴄhính thứᴄ.

Cầu Bình Tây ở Chợ Lớn năm 1888, ở trước chợ Lớn (cũ). Đó là cây cầu gỗ đầu tiên người Pháp xây dựng tại Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ban đầu cầu bằng gỗ, sau đó được thay bằng cầu thép, nâng cao thêm 2m:

Con đường huyết mạch nối Sài Gòn và Chợ Lớn

Cho đến đầu thế kỷ 20 thì giữa Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn còn ngăn cách bởi một vùng đồng không mông quạnh, chỉ có thể đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn qua con đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng) đến Route Haute (đường Nguyễn Trãi ngày nay). Đến tận thập niên 1920 thì một đại lộ lớn được mở để nối Chợ Lớn đến Chợ Bến Thành (vừa được xây dựng từ năm 1912), đó là đại lộ mang tên Galliéni.

Xe điện tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn chạy trên đại lộ Galliéni

Năm 1950, chính quyền Quốc Gia Việt Nam tách đại lộ Galliéni ra làm đôi, phần địa phận Sài Gòn vẫn giữ tên Galliéni, còn phần đại lộ thuộc địa phận Chợ Lớn đổi thành đại lộ Trần Hưng Đạo, nối với đường Rue des Marins.

Đường des Marins, sau này đổi thành đường Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo B

Đường Rue des Marins ngăn cách với đại lộ Trần Hưng Đạo bằng con đường mang tên An Bình (tên đường vẫn được giữ lại cho đến ngày nay), và đại lộ Trần Hưng Đạo và đại lộ Galliéni ngăn cách nhau bằng đường Nancy, tức đường Cộng Hòa sau này, nay là đường Nguyễn Văn Cừ.

Sau năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa nhập 2 đại lộ Trần Hưng Đạo và Galliéni lại thành một đại lộ duy nhất mang tên Trần Hưng Đạo, còn đường rue des Marins đổi tên thành đại lộ Đồng Khánh, là con đường huyết mạch của Chợ Lớn. Sau năm 1975, đại lộ Đồng Khánh mang tên đường Trần Hưng Đạo B.

Một số hình ảnh khác của đường des Marins, sau này là Đồng Khánh:

Đường Đồng Khánh năm 1965

Vì khu Chợ Lớn đông đúc người Hoa, nên từ năm 1955, các đường Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử được đặt tên. Đại lộ Khổng Tử ngày nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, còn đường Trang Tử, Lão Tử vẫn còn cho đến nay.

Đại lộ Khổng Tử thập niên 1960, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông

Đại lộ Khổng Tử đã có từ cuối thế kỷ 19, ban đầu là một bến gần rạch nước nên mang tên quai Gaudot, đó đó rạch nước bị lấp nên đường này mang tên là boulevard (đại lộ) Gaudot, sau đó đổi tên thành đại lộ Bonhoure. Từ 1955-1975, đổi tên thành đại lộ Khổng Tử. Sau năm 1975 thì đổi tên thành Hải Thượng Lãn Ông.

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh Chợ Lớn xưa:

Đại lộ Bonhoure, sau năm 1955 mang tên đại lộ Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông

Góc đường Bonhoure – Tổng Đốc Phương, nay là Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm

Dinh thự bề thế của Tổng Đốc Phường ở Kênh Xếp, sau này là đường Tổng Đốc Phương, nay là Châu Văn Liêm

Đại lộ Bonhoure, sau 1955 là Khổng Tử, nay là Hải Thượng Lãn Ông

rue de Paris, từ năm 1955 đến nay mang tên đường Phùng Hưng

Ngã tư Bonhoure – de Paris đầu thập niên 1950, nay là Hải Thượng Lãn Ông – Phùng Hưng

Đường mang tên Gia Long ở Chợ Lớn. Năm 1950, chính quyền của quốc trường Bảo Đại đổi tên đường Lagrandière ở Q1 thành đường Gia Long, vì vậy đường Gia Long ở Chợ Lớn đổi tên thành Trịnh Hoài Đức cho đến nay

Góc đường Đồng Khánh – Ngô Quyền

Góc đường Đồng Khánh – Ngô Quyền

Góc đường Đồng Khánh – Ngô Quyền

Bùng binh giao lộ Khổng Tử – Tổng Đốc Phương (Ngã Năm Chợ Lớn)

Góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) với đường Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B), cuối hình Bưu Điện Q5

Chợ trung tâm, ngày nay là vị trí bưu điện Quận 5

Bên trái là cầu Malabars, cầu này bị dỡ vào thập niên 1920, sau đó xây cầu Chà Và ở gần đó

Nhà máy xay lúa trên Bến Bình Đông

Trường tiểu học Mân Chương (tạiHà Chương hội quán) ở đường Route Haute, nay ở số 802 Nguyễn Trãi

à Chương Hội Quán của người Phước Kiến trên đường Cây Mai (nay là Chùa Ông Hược, số 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5)

Théâtre Chinois rue de Paris – Rạp hát Tàu ở đường Phùng Hưng (tên thời Pháp là Rue de Paris), sau này từng là kho bạc của Q5

Sau đây là hình ảnh bưu điện đầu tiên của Chợ Lớn, nằm ở góc đường Charles Thomson – Tổng Đốc Phương (nay là Hồng Bàng – Châu Văn Liêm):

Ngày nay, vị trí này là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương – Chi nhánh Chợ Lớn ở số 144 Châu Văn Liêm:

Một vài hình ảnh Chợ Lớn thời kỳ 1955-1975:

Kinh Tàu Hũ

Góc đường Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) và Ngô Quyền
Advertisement

Góc đường Đồng Khánh – Ngô Quyền

Bưu điện trung tâm Chợ Lớn. Trước đó nơi này là chợ trung tâm Chợ Lớn

Bùng binh phía trước bưu điện Chợ Lớn

Đồng Khánh – Tổng Đốc Phương, nay là đường Trần Hưng Đạo B – Châu Văn Liêm

Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

 

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *