Mời các bạn xem lại những hình ảnh người Sài Gòn xưa các nẻo đường thân thuộc trước 1975. Nhìn những hình ảnh này, nếu là người Sài Gòn xưa thì sẽ cảm thấy rưng rưng nhớ về kỷ niệm, còn nếu là người Sài Gòn nay thì sẽ hình dung được cuộc sống của thế hệ đi trước.
Sau đây là một số ý kiến về người Sài Gòn của độc giả báo Tuổi Trẻ được tổng hợp lại:
“Gia đình tôi (ba mẹ,con cái) sống ở Sài Gòn hơn 40 năm. Ba đứa con sau cùng cũng sinh ở Sài Gòn nhưng hình như vẫn còn mang một phần hơi hướm quê cũ miền trung, mặc dù đã có nhiều điều hòa nhập với dân Sài Gòn”.
“Người Sài Gòn sống hồn nhiên như dân quê, thậm chí ngồi ghế uống cà phê, ăn uống có người còn co chân lên ghế như dân miền Tây Nam bộ ngồi chống lũ. Cái vẻ quê này không hại ai, nhưng ra ngoài xã hội, người Sài Gòn thứ thiệt rất tuân thủ những quy tắc, hành xử xã hội nơi công cộng”.
“Sài Gòn trong lòng chúng tôi là một Sài Gòn thật xưa dù là hòn ngọc biển Đông vẫn chân chất hồn nhiên chớ không xô bồ hỗn độn. Người Sài Gòn gặp khách lạ thì hỏi “quê anh (chị, em …) ở đâu” chớ không hỏi “anh (chị, em…) có phải người Sài Gòn không?” vì “người Sài Gòn không quan tâm đến việc mình có phải dân Sài Gòn hay không. Chỉ cần sống sao coi cho được”.
“Theo tôi, người Sài Gòn không bao giờ tự nhận mình là người Sài Gòn, bởi đơn giản họ là người Nam Kỳ. Do đó, thời gian bao lâu không quan trọng, điều cần thiết là phải thực sự sống, cư xử và hành động hào hiệp như những cư dân Saigon,Gia định xưa đã từng thể hiện”.
“Từ ngữ sử dụng đơn giản, nói năng giản dị, phong cách giản dị, ăn uống giản dị vì giản dị là tột cùng của sự từng trải mà cũng là cốt cách, chất văn hóa của người miền Tây Nam bộ nói chung mà người Sài Gòn cũng là một thành phần trong đó”.
“Muốn trở thành người Sài Gòn phải có tính cách của người Sài Gòn. Đó là:
– Nghĩa hiệp, phóng khoáng, không tính toán, không so đo.
– Cho và biết cách cho, ít khi nhận.
– Hào hoa, phong nhã, văn minh, lịch thiệp.
– Người Sài Gòn không tham lam, không ích kỷ.
– Không để ý đến chuyện riêng tư của người khác.
– Không oán trách, không hận thù.
– Không mua gian bán lận, không mưu mô…Người Saigon bây giờ không còn nhiều, một phần sống ở nước ngoài, một phần đã chết, một phần lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới, một phần đã thay đổi theo lối sống thiếu văn hóa, không lành mạnh. Phần còn lại vẫn giữ tính cách người Sài Gòn không sống xô bồ mà vẫn giữ đúng phong cách của người Sài Gòn.”
Advertisement
“Bạn vào Sài Gòn và trở thành người Sài Gòn có thể chỉ sau vài tuần nhưng có thể cả đời.
Theo tôi thì bạn trở thành người Sài Gòn khi nào bạn hội đủ ba yếu tố:
– Một là về ngôn ngữ bạn nói tiếng vùng miền của bạn với âm hưởng Sài Gòn.
– Hai là về nội tâm, bạn hào hiệp bất khuất như người Sài Gòn, không tự đại háo danh, không dòm ngó ganh tị, không luồn cúi nịnh hót người giàu mạnh, không khinh rẻ ăn hiếp kẻ nghèo yếu, sẵn sàng lao vào bắt trộm cướp nhưng không bao giờ bu lại đấm đá tên trộm đã bị khống chế.
– Ba là về tài chính bạn xài tiền như người Sài Gòn: thong dong tự tại không ký cóp, không thích ăn không của ai, không siết bóp vơ vét của ai khi có cơ hội, thích bao bạn bè.”
Hình ảnh người Sài Gòn xưa được tác giả Nông Huyền Sơn kể lại như sau:
Trong ký ức tuổi thơ, tôi thấy đàn ông ra đường mặc áo sơ mi bỏ vào quần, phụ nữ mặc áo dài, ngồi phía sau xe gắn máy chỉ ngồi một bên, hai đùi khép kín.
Trong công sở họ nói chuyện với nhau thường mở đầu “thưa ông”, “thưa bà”.
Một lần ba lái chiếc honda 67 mới mua chở má và anh em tôi đi chợ trời Bà Quách ăn chiều. Khi vừa ra khỏi nội thành, một toán cảnh sát ra chặn đường. Họ nghiêm khắc nói:
– Thưa ông, thưa bà! Mong ông bà vui lòng không vào vùng mất an ninh
Mẹ tôi trả lời:
– Thưa ông cảnh sát! Chúng tôi chỉ muốn đưa bọn trẻ đi chợ trời ăn chiều rồi về
Ông cảnh sát bảo:
– Vậy thì chúc ông bà và các cháu ăn ngon miệng. Nhớ, trở về nội thành trước khi trời sụp tối. Nếu ông bà về trễ, vì trách nhiệm, buộc lòng tôi phải thực hiện những biện pháp nghiêm khắc. Mong ông bà hiểu cho.
Khi đi khỏi, má tôi dạy:
– Trước khi xưng hô, hãy chú ý đến ngón tay đeo nhẫn. Nếu đàn ông có ngón tay đeo nhẫn thì gọi là ông, đàn bà gọi là bà. Nếu không có ngón tay đeo nhẫn thì gọi là anh, là cô. Trẻ con thì gọi là các em.
Người ta xếp hàng ở tất cả mọi nơi công cộng như rạp chiếu phim, rạp hát, nhà hàng bán vé, đại sứ quán (chỉ trừ bến xe).