Mời các bạn xem bộ ảnh Hà Nội được chụp vào đầu thập niên 1980 (từ 1980-1982), tác giả là cựu phó đại sứ Vương Quốc Anh là John Ramsden. Ông đã chụp những tấm hình này với thú vui đồng hành với công việc của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nay đây mai đó.
Những tấm ảnh này ghi lại hiện thực của một thời kỳ lịch sử. Ông phó đại sứ tiết lộ rằng dù được miễn trừ ngoại giao, ông vẫn phải “kín đáo” mỗi khi đưa tay bấm máy ảnh, không phải vì sợ mà để tránh khỏi bị hiểu sai về việc làm chỉ nhằm lưu lại trong ký ức riêng mình về một vùng đất mà ông hiện diện với công việc ngoại giao.
John Ramsden cũng nói rằng những hình ảnh về Hà Nội trong những năm cuối của thời bao cấp (đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) rất hiếm. Những nhiếp ảnh gia người Việt không được tự do lang thang như ông phó đại sứ để ghi lại những hình ảnh mà họ thích. Ngoài ra, họ cũng không đủ tiền để làm vậy, một cuốn phim đắt phải bằng cả tháng lương.
Sau đây, mời các bạn xem lại bộ ảnh của John Ramsden, với lời thuyết minh về hình ảnh của nhà sử học Dương Trung Quốc:
Bức tranh cổ động lớn này định vị thời điểm chụp ảnh là năm 1981, trên góc tranh có câu biểu ngữ “Tiến tới đại hội V”.
Khó nhận ra đây là phố nào nhưng nhận ngay ra một thời của Hà Nội. Cái thời xe cộ còn rất ít, người đi bộ bao giờ cũng chiếm số đông. Cái xe đạp đã quý, cái xe máy được coi là sang trọng, còn được ngồi lên ô tô hẳn phải là quan chức nếu là người Việt Nam. Cái thúng trên tay, đôi quang gánh trên vai và sức bền của đôi chân cũng là đặc trưng của một thời đã qua.
Một trong những điểm chụp ảnh đẹp nhất quanh Hồ Gươm chính là cổng đền Ngọc Sơn với vòm cầu Thê Húc cong cong đón nắng ban mai. Hai thiếu nữ vô tình quay lưng vào ống kính của người chụp nhưng lại cho thấy một nét rất thời thượng của một thời còn thiếu thốn. Đó là những “thời trang” giản dị từ chiếc nón trên đầu, tấm áo cánh trắng, xắn tay và cả hai mái tóc cắt lửng luôn giống nhau.
Ngôi nhà số 47 phố Hàng Bạc được đánh giá là kiến trúc rất đặc trưng nhà cổ của Hà Nội và cũng trở thành biểu tượng điển hình của “vấn nạn bảo tồn”. Vì mang vẻ đặc trưng nên không được thay đổi. Vì nhà tư nên Nhà nước không thể can thiệp. Vì thế đến nay, 30 năm sau những cư dân của ngôi nhà đã tàn tạ hơn xưa vẫn “lúng túng xoay xở”.
Đền thờ Hai Bà Trưng ở phố Hương Viên, Đồng Nhân, được xây từ thời Lý đến nay vẫn duy trì ngày hội vào ngày 6 tháng Hai – Âm Lịch, như từ hồi đất này còn là những ngôi làng cổ ngoại vi thành Thăng Long. Với người Việt Nam, Hai Bà Trưng được coi là người mở đầu truyền thống chống giặc ngoại xâm, và lại là phụ nữ xưng làm vua nên việc thờ phụng rất linh thiêng. Vì thế dù trải qua nhiều thăng trầm, ngôi đền vẫn giữ được nguyên vẹn.
Không rõ ảnh này chụp ở chỗ nào nhưng cảnh quan có cây đa và dù kiến trúc ở phía sau dẫu tàn tạ thì vẫn nhận ra một mái chùa hay mái đền vốn rải rác rất nhiều trong lòng thành phố Hà Nội. Cách đây 30 năm, đình chùa bị cả dân lẫn chính quyền chiếm dụng để làm việc khác: để ở, biến thành kho tàng hay lớp học, đôi khi làm trụ sở cho các cơ quan công quyền.
Có thể nhận ra ngôi nhà số 24 vẫn khang trang nhờ dấu tích bức gỗ chạm khá kỹ càng trên trán cửa. Chính sách “cải tạo nhà cửa” và chiến tranh khiến những ngôi nhà nay bị chia năm xẻ bảy và xập xệ. Vì chật chội nên vỉa hè luôn bị lấn chiếm như của riêng. Tác giả cho biết đây là một tiệm cắt tóc.
Phố Hàng Ngang nhìn về phía Bờ Hồ, chật cứng người đi bộ dưới cả lòng đường, lại thấy trong ảnh có những người mặc quân phục. Chắc vừa tan một cuộc tiếp đón đoàn khách quốc tế hay mít tinh tuần hành thường thấy ở Hà Nội thuở đó.
Chưa thể nhận ra ngay đây là ngõ phố nào nhưng nó là một mô típ của những dãy phố được xây trước thời Khủng hoảng 1930 khi dân số Hà Nội bùng nổ trong cuộc Khai thác Thuộc địa lần thứ hai. Những ngôi nhà này vừa tầm cho công chức hạng trung hay tầng lớp trung lưu mua hoặc thuê. Những ngày gian khổ trông lại thật thanh bình.
Phố Tố Tịch nổi tiếng với nghề tiện gỗ. Cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường, thường thấy thợ xẻ cắt những thân cây các loại gỗ mềm và dẻo thớ cung cấp phôi cho các cửa hàng tiện chấn song gỗ, chế tác đồ thờ hay khắc con dấu, đến nay vẫn còn dấu vết của một phố nghề.
Hai cây đa trước đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch gợi lại dấu tích của con sông Tô Lịch. Ngày xưa hai cây đa này thiêng lắm, cành lá um tùm, ở gốc cây có am thờ và những “ông bình vôi” cuốn vào rễ cây. Thời “chống mê tín” bị dẹp sạch. Sau này, người đông, xe cộ nhiều, người ta cưa cái cành la đà ngang đường để ô tô đi lại. Cây đa tàn lụi dần vì bị con người tranh chỗ để kiếm sống.
Chế tác đồ đá làm cối và tạc bia mộ là hai món hàng truyền thống nhất của mấy hộ dân phố Hàng Mắm. Sau ngày thống nhất hai miền, bắt chước Sài Gòn, tiểu đúc bê tông ốp đá mài “granito” thay chỗ cho những cái tiểu bằng sành. Đến nay, cối đá hầu như không còn, nhưng nghề tạc bia mộ vẫn còn, tuy bia mộ trong ảnh mộc mạc, không vẽ vời diêm dúa và hoành tráng như bây giờ.
Một quầy hàng trên phố, có bánh đa và dưa hấu
Mấy đứa trẻ chơi bập bênh phía ngoài nhà tù Hỏa Lò thời đấy vẫn là nơi tạm giam phạm nhân của Hà Nội. Khoảnh đất này nằm ở góc Hàng Bông Ruộm và Hai Bà Trưng là dấu tích của những địa điểm vui chơi cho trẻ được xây dựng khá nhiều vào thời trước chiến tranh. Thời gian khó ấy vẫn dành đất cho trẻ chơi nơi công cộng. Nay thì trẻ đông hơn nhưng đất ngày một hiếm.
Xếp hàng mua rau, củ, quả tại một cửa hàng của hợp tác xã mua bán hay mậu dịch mở trong phố. So với nay có hai điều hơn hẳn: xếp hàng trật tự và chắc chắn là rau sạch không có dư lượng các loại thuốc trừ sâu.
Những công nhân ở xưởng xay gạo trên phố Đào Duy Từ, vốn là chợ gạo. Nghề xay gạo tồn tại nhiều năm, đến năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa” gom máy móc lại thành hợp tác xã hay xí nghiệp hợp doanh. Những người làm việc ở đây ăn mặc lam lũ đeo khẩu trang kín mặt để tránh bụi là thợ thuyền, nhưng cũng có thể là “tư sản cải tạo” tránh lộ mặt.
Một bà lão với xe đẩy bán trái cây.
Đội trên đầu là một phương thức mang vác phổ biến của phụ nữ ở nông thôn, còn ở thành thị thì chủ yếu là những người bán rong cần len lỏi vào những nơi đông đúc để tìm khách, ví như một thúng xôi, một thúng bánh mì hay giò chả. Cách làm này cũng ít dần khi nhiều người bán hàng sử dụng các phương tiện cơ động hơn như xe đạp, xe đẩy, xe máy.
Chợ Đồng Xuân thời vẫn đủ năm nhịp mái. Lá cờ đỏ rất to trên nóc báo hiệu ảnh được chụp trong một ngày lễ trọng. Thuở đó người đi bộ tràn xuống lòng đường chen lấn với xe đạp và xe điện. Cửa chợ là ga tàu điện nên rất đông đúc, tốc độ chậm nên ít xảy ra tai nạn ở khu vực này và ở đâu cũng thấy bộ đội.
Góc dành cho những người già trong chợ Đồng Xuân, nơi bán những thức liên quan đên một tập quán vốn rất phổ biến: ăn trầu. Những lá trầu không, những buồng cau tươi hay những miếng cau khô, một khoanh vỏ lại thêm những miếng vôi đã tôi hay nguyên cục, đôi khi phải có thêm nhúm thuốc lào cho đậm đà. Người bán và người mua đều mặc trang phục cổ điển.
Cách đây 30-40 năm, nón lá còn là trang phục đội đầu phổ biến cả với cư dân thành thị nhờ sự tiện dụng: che nắng, che mưa, phe phẩy quạt gió, đôi khi làm đồ đựng hoặc múc nước. Từ các làng nghề ngoại thành hay các tỉnh phụ cận, những chồng nón mang lên Hà Nội rồi từ đó tỏa đi nhiều vùng vì ở đâu cũng cần nón nhưng muốn làm nón phải có nghề.
Người Hà Nội quen ăn cá sông, cá đồng hay cá ao, tức là cá nước ngọt. Vào thời điểm này, cá biển là món ăn mới mẻ, ban đầu do mậu dịch phân phối để bì đắp chất đạm còn thiếu đối với cư dân thành thị. Khó biết mẹt cá trong ảnh là cá gì những dễ nhận ra vẻ sốt ruột của người bán, vì cá không thể để qua ngày mà lúc đó chưa có phương tiện ướp lạnh.
Tận dụng những vỏ bao bằng vải hay sợi ni lông đựng những sản phẩm nhập khẩu để tái chế thành những đồ đựng bán trong chợ. Cũng là công việc của những bà già vốn giữ được bản tính tằn tiện, thu vén mọi thứ có thể tận dụng được giữa một thời buổi thiếu thốn đủ thứ.
Ngày nay, đi chợ còn có thú vui là thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực địa phương. Nhưng vào thời kỳ tấm ảnh này được chụp, khi nhiều món ăn phải có tem phiếu mới mua được thì quán cơm trong chợ chỉ giúp người ta qua cơn đói bằng những món đạm bạc, rẻ tiền. Vẻ mặt khắc nghiệt của người phục vụ quán ăn nói lên tất cả.
Vật dụng bằng tre, mây hay nguyên liệu tự nhiên các đây 30 năm vẫn phổ biến, do người nông dân làm ra trong những lúc “nông nhàn”. Thời đó đồ nhựa chưa nhiều, chủ yếu mang từ miền Nam ra. Từ cái thúng, cái rổ, cái rá gạo đến cái rế, cái rây bột, cái lồng bàn, cái chổi tre, ngày nay được coi là “thân thiện với môi trường” nhưng sắp thành hiện vật bảo tàng dân tộc học rồi.
Một quán nước bên hè đường, cạnh nơi vốn là nhà tắm công cộng được xây dựng từ thời thuộc địa dành cho người đi chợ. Nhà tắm đã bị giải thể và để hoang phế một thời gian. Giờ đây, miếng đất nằm tại góc giao nhau giữ Ngõ Gạch và phố Đào Duy Tử, nửa lớn thành ngân hàng, còn nửa nhỏ thành một quán bar khá sầm uất gần với không gian của phố đi bộ Đồng Xuân.
Ông già đang cắt tóc cho ông già, bà già ngồi bên gánh nhãn. Những người già kiếm sống là hình ảnh thường thấy ngay thủ đô trong thời buổi khó khăn, khi trai tráng đang cầm súng ngoài các mặt trận ở biên giới hay làm việc trên các công trường xây dựng. Người già coi việc ở nhà kiếm ăn là một cách giúp đỡ con cái.
Mới nhìn cứ ngỡ như một góc chợ quê với nét nghèo và lam lũ. Nhưng ở Hà Nội thời đó có rất nhiều nơi mang khung cảnh tương tự. Những mái nhà bằng cót (đan bằng tre nứa hay che bằng tấm ni lông cũ) cơi nới không gian làm nơi bày bán hàng và đặt những thùng phuy chứa nước. Đâu cũng là “ga ra” cho những chiếc xe đạp.
Cứ mỗi độ đón Tết, dọc phố Hàng Lược lại họp chợ hoa, người dân đến sắm sửa để trang trí nơi ở của mình. Từ Hàng Lược tỏa ra Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân hay nối dài ra phố Hàng Rươi kéo đến đầu Hàng Đồng. Hoa chủ yếu là đào và quất gắn với những làng hoa nổi tiếng như Ngọc Hà, Nhật Tân mà nay không còn nữa.
Vẻ đẹp phố cổ (góc Hàng Bạc và Hàng Bè). Kiến trúc xây cầu thang là giải pháp tách riêng đường đi lối lại giữa hai hộ trên gác và dưới nhà. Một cụ già với cái bơm ngồi đầu đường là hình ảnh thường thấy ở một thành phố mà ai cũng tự mình kiếm sống.
Thuở ấy, phương tiện đi lại chủ yếu của các gia đình: xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất, món hàng có giá trị nhất được phân phối hạn chế cho công nhân viên chức. Bố mẹ, hai đứa con và những chiếc can nhự có thể chứa đủ thứ nhu yếu phẩm từ dầu hỏa, nước mắm cho đến rượu – tất cả đều trên một chiếc xe đạp.
Có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình có cỡ vành 650mm lại được cơ quan phân phối cho cỡ lốp 650mm, nên mới có dịch vụ “rút lốp”: cắt ngắn cái đai bằng thép ở mép lốp (tanh) rồi rút ngắn cho vừa với vành. Còn có cả nghề “đắp lốp”: tận dụng lốp mòn hay rách, đắp lên những miếng cao su sống rồi cho vào khuôn ép nóng để dùng tiếp.
Thêm một tấm ảnh chứng minh rằng 40 năm trước, xe đạp tạo nên nét đặc trưng của Hà Nội. Nhưng tấm ảnh này cũng gợi lại một “truyền thống” ở Hà Nội: Đó là hiện tượng, ở nơi nào cấm cái gì thì cái ấy có khả năng lại xuất hiện ngay tại nơi ấy. Ví như người ta dán quảng cáo ngay nơi để biển cấm quảng cáo, bán hàng rong ngay nơi quy định cấm bán hàng rong, v.v..
Xích lô vốn là phương tiện chở người vừa văn minh, vừa sang trọng so với xe kéo tay trước 1945. Sang chính thể mới, người ngồi trên xe cho kẻ khác đạp bị coi là “bóc lột”, nên ít chở người. Thời chiến dùng để chở hàng, chở đạn, phuy nước cứu hỏa, người bị thương. Hết chiến tranh, xích lô chủ yếu chở hàng cồng kềnh nên chẳng cần sang nữa, trông thật nhếch nhác.
Còn chiếc xích lô này có phần tươm tất hơn chuyên chở các bà tiểu thương hằng ngày mang hàng ra chợ, thường là khách quen. Người đàn ông gầy gò nhưng tỏ rõ sức bền của một người quen lao động nặng nhọc. Bà tiểu thương thu mình giữa những bao, bị và cả một mớ rau tiện mua ở chợ. Việc làm ăn không ngơi nghỉ khiến những người lao động luôn có vẻ mặt bình thản.
Một xóm dân cư vô cùng xập xệ hình thành quanh nhà máy điện Yên Phụ, trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Hết chiến tranh, nhà cửa xuống cấp cùng với dân đến “nhảy dù” tạo nên một khung cảnh tàn tạ. Không lâu sau đó, nhà máy ngưng hoạt động thành phế tích chờ thời Đổi Mới thành miếng đất vàng xây cao ốc. Người làm sử tiếc cho dấu tích của một nhà máy lớn bậc nhất thời thuộc địa (1947).
Vào những năm 1980, Hà Nội đã có nhiều xe máy hơn, chủ yếu là những xe cũ được đưa từ miền Nam ra. Sở hữu một “con” Honda 67 là một tài sản không nhỏ. Trông nét mặt của chủ nhân trước ống kính của một ông Tây đủ thấy một vẻ thỏa mãn khiêm nhường.
Khi những tấm ảnh này được mang đến buổi triển lãm ở Hà Nội vào mùa thu năm 2013, người ngồi trên xe trong tấm ảnh này đã đến buổi triển lãm mà nói rằng chiếc xe này lúc đó đắt tiền, nhưng ông cũng nói rằng lương của mình rất cao, hơn cả nhiều cán bộ, vì ông chơi cho đội bóng quốc gia của công an.
Ảnh chụp trên phố Đồng Xuân, trước cửa chợ là điểm tránh tàu luôn tấp nập. Đất nước đã thống nhất nhưng cảnh quan chẳng mấy thay đổi, vẫn là tàu điện cũ kỹ từ thời Pháp và xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến. Trong cảnh, chỉ có một chiếc xe máy duy nhất dựng trên vỉa hè.
Phía sau toa tàu điện ngày xưa có những cái móc để các vị khách là nông dân vào nội thành buôn bán có thể treo quang thúng. Nông thôn tập thể hóa nên ít hàng hóa mang ra phố. Phía sau các toa tàu là chỗ cho bọn trẻ nghịch ngợm, trông nguy hiểm nhưng chúng rất thiện nghệ, vả lại trên tuyến đường Hàng Bông tàu đi chậm.
Trên thùng xe có ghi rõ “4 tấn/55 người”, nhưng xe bao giờ cũng chở quá tải. Chạy trong thành phố gọi là xe buýt chỉ là xe nội địa, nhập máy từ Đông Âu hay Liên Xô rồi đóng vô tại các nhà máy như Hòa Bình, Ngô Gia Tự, 1-5… Loại xe ca quan trọng nhất là “Hải Âu” chỉ để chở người của Nhà nước hay văn công và cải tiến thành “linh xa” cho nhà tang lễ.
Xe bò bánh lốp là phương tiện chở nặng rẻ tiền lại phổ biến trong việc kết nối những cơ sở sản xuất ở thôn quê đưa lên thành phố. Trong ảnh là xe chở gạch nung từ các lò rải rác quanh ngoại ô. Phần đông người lao động chỉ là các quân nhân giải ngũ và bọn trẻ đi theo đỡ đần người lớn. Ở đâu cũng thấy bộ quân phục và chiếc mũ cối màu xanh.
Con phố sang trọng nhất của Hà Nội là Tràng Tiền. Cái cảnh lam lũ trong ảnh tưởng như phản cảm, nhưng nó cũng hợp với chiếc “com măng ca” cục mịch chở cán bộ lãnh đạo. Phía sau Nhà Hát Lớn dọc theo triền đê là nơi tập kết các loại tre, nứa hay luồng dỡ từ các bè thả từ miền ngược xuống. Có lẽ đây là những vật liệu mượn đường để vào nội thành dùng làm giàn giáo hay đóng cọc nền cho các công trình xây dựng?
Gọi là xe bò nhưng lại do người kéo: một phương tiện phổ biến vì nó chở được hàng cồng kềnh hoặc nặng, len lách được vào ngõ ngách. Chiếc xe này đang trên phố Hàng Khoai trước cửa chùa Huyền Thiên. Trông người kéo xe chở nhiều bao tải lớn nhưng không máy vẻ nặng nhọc, có thể là các bao tải trấu? Thuở đó, trấu là chất đốt thông dụng để nhồi vào những cái bếp bằng đất hay bằng tôn tăng nhiệt cho củi đốt.
Đường tàu hỏa đi ngang trung tâm thành phố, ngoài đoạn cầu dẫn đi hết phố Phùng Hưng thì đi qua những con phố gây nhiều phiền phức. Đường tàu tạo ra khoảng lưu không phía sau lưng các dãy nhà, dễ bị dùng làm nơi xả phế thải. Hồi đó áp lực về dân số chưa cao nên đất lưu không trông hoang vắng, còn bây giờ thì đông đúc, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt.
Những ngày “mất” nước. Hàng dãy thùng xếp hàng yên ắng mà chủ nhân không “thèm” có mặt’ Nhưng họ ở đâu đó, chỉ cần dòng nước đầu tiên vừa ồ chảy là cả khu vực này sẽ đông đúc, ồn ào, có lúc là tiếng cười vì niềm vui có nước dùng, lại có cả tiếng cãi vã nhau vì ai cũng muốn sớm có nước mang về. Vẫn những cái thùng bằng sắt tây hệt như thời mới có máy nước ở Hà Nội.
Gánh nước là công việc hàng ngày của phụ nữ xưa.
Hồi chiến tranh và những năm 1980, có rất nhiều địa điểm bán nước sôi. Nước nóng là một nhu cầu của dân phố vào lúc nguồn nước và chất đốt đều khan hiếm, nhất là về mùa đông. Một cái lò than đun một thùng phuy để bán lẻ theo từng phích hay ấm. Quản lý những nơi này là các “tổ phục vụ” nhằm mục tiêu như tên gọi hơn là kinh doanh thuần túy.
Niềm vui của đứa trẻ câu được một con chạch trên hồ Đồng Nhân trước đền thờ Hai Bà. Hà Nội xưa lắm hồ nên người câu cá cũng đông, không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Nói chung không ai cho phép nên câu được con cá thì niềm vui lớn hơn giá trị con cá ngoài chợ hay trên mâm cơm.
Nguồn ảnh: John Ramsden – Hà Nội Một Thời