Những hình ảnh Hà Nội xưa dưới đây được nhiếp ảnh gia người Mỹ Harrison Forman (1904-1978) chụp trong thập niên 1940, hiện được lưu giữ tại Thư viện Hiệp hội Địa lý Hòa Kỳ, và được đăng tải trên trang thư viện số của Đại học Wisconsin-Milwaukee của Mỹ (UWM Libraries’ Digital).
Bộ ảnh này sẽ cho chúng ta thấy một diện mạo rất khác về một Hà Nội – thủ đô của liên bang Đông Dương lúc đó.
Thời điểm những tấm hình này được ghi lại, tình hình Hà Nội nói riêng và Đông Dương nói chung đang rất phức tạp. Về mặt hành chính thì thực dân Pháp vẫn kiểm soát, nhưng đế quốc Nhật đã nhảy vào cuộc chiến ở Đông Dương.
Nước Pháp ở chính quốc lúc này đã bị suy yếu vì thế chiến 2, chính phủ Vichy (chính quyền thân Đức Quốc Xã) được thành lập, tiếp quản hầu hết các lãnh thổ thuộc địa ở hải ngoại, nhưng lúc này chính quyền ở thuộc địa đã bị cắt hoàn toàn khỏi sự giúp đỡ và nguồn tài trợ từ chính quốc. Năm 1940, Toàn quyền Decoux phải nhượng bộ để Nhật triển khai quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp, đế quốc Nhật Bản dần dần từng bước kiểm soát vùng này.
Theo Hiệp ước Tokyo 1940 thì Pháp chấp nhận hầu hết các yêu sách của Nhật, trong đó có các điều khoản liên quan đến việc Nhật có quyền chi phối nền kinh tế Đông Dương để thâu tóm miền Hoa Nam.
Hiệp ước Tokyo 1941, Pháp tiếp tục phải nhượng bộ Nhật, ấn định Nhật là nước hưởng những ưu đãi đặc biệt tại Đông Dương. Theo đó, Nhật được sử dụng mọi phương tiện giao thông, kiểm soát hệ thống đường sắt, hàng hải ở các hải cảng ở Đông Dương với trọng tải 200.000 tấn. Nhật Bản cũng đòi Pháp phải dành 50% giá trị hàng hóa nhập khẩu và 15% xuất khẩu của Đông Dương cho các công ty thương mại của Nhật. Ngoài ra từ năm 1940 đến 1945, chính quyền thực dân Pháp phải nộp cho Nhật Bản một số tiền là 723.786.000 đồng để Pháp giữ chủ quyền.
Mậu dịch quốc tế của Đông Dương trong các năm 1942–1943 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu như than, kẽm, cao su, xi măng đều chở sang Nhật. Về quân sự, Pháp phải có trách nhiệm hỗ trợ Nhật khi Nhật tham chiến. Về chính trị quốc nội, Nhật từng bước giảm thiểu ảnh hưởng chính trị của Pháp và các phe nhóm thân Pháp.
Song song với việc cả Pháp và Nhật cùng có mặt tại Đông Dương, lúc này mặt trận Việt Minh cũng ra đời vào năm 1941, với mục đích được công bố là “liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Ngoài Đảng Cộng Sản, trong thời gian đầu có các tổ chức tham gia Việt Minh lần lượt gồm Đảng Cách mệnh An Nam, Việt Nam Quốc dân Cách mệnh Đảng, Đảng Quốc gia Cách mệnh An Nam, Phục quốc Hội, Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội, Đảng Đại Việt Quốc xã, Đảng Hưng Việt, Đảng Đại Việt, Việt Cách….
Vì vậy, có thể nói thời điểm nửa đầu thập niên 1940 (thời điểm các hình trong bài này được chụp), tình hình chính trị ở Hà Nội rất phức tạp.
Trước sự thất thế rõ rệt của Pháp ở Đông Dương, một điều tất yếu đã xảy ra sau đó là Nhật tiến hành đảo chính Pháp tại Đông Dương năm 1945, dựng nên chính quyền thân Nhật là chính phủ Trần Trọng Kim với quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại.
Một số hình ảnh ở phố Paul Bert ở phía hồ Hoàn Kiếm:
Hình ảnh tòa nhà Taverne Royale (nằm ở đầu phố Tràng Tiền ngày nay), ngay hồ Hoàn Kiếm.
Trước khi mang tên Taverne Royale, tòa nhà này tên là Lacaze, trải qua nhiều lần xây sửa và thay đổi chức năng khác nhau. Ban đầu tòa nhà có kiến trúc tân cổ điển, nhưng tới cuối thập niên 1930 được sửa lại theo phong cách Art deco thịnh hành thời đó.
Hình ảnh Eden Cinema khi nó vừa được cải tại mặt trước theo kiến trúc Art Deco. Trước đó không lâu, rạp chiếu phim này mang kiến trúc tân cổ điển rất đẹp, mang tên là Cinema Palace.
Tuy nhiên sang tới năm 1940, theo trào lưu cách tân kiến trúc, các nhà quản lý đô thị ở khắp Đông Dương đổi lại diện mạo một số công trình công, thiết kế theo kiến trúc Art deco, và diện mạo của Cinema Palace cũng bị đổi thành như trong hình. Cũng từ năm này, tên rạp chiếu phim này cũng đổi thành Eden Cinema.
Một kiến trúc sư người Việt nổi tiếng là Hoàng Như Tiếp đã cộng tác với một số kiến trúc sư người Pháp được giao nhiệm vụ thiết kế chỉnh trang mặt đứng rạp chiếu phim Eden. Năm 1946, Hoàng Như Tiếp đưa gia đình rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, là kiến trúc sư chính xây nhiều công trình phục vụ kháng chiến. Tại chiến khu, ông sáng lập nên Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam hiện nay. Năm 1957, ông cũng là người chủ trì cải tạo lại tòa nhà Godard ở đầu phố Tràng Tiền để trở thành cửa hàng Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza).
Sát bên cạnh Eden Cinema là cơ sở của Nhà xuất bản G. Taupin et Cie như trong hình bên dưới.
Sau đó không lâu, Nhà xuất bản này chuyển trụ sở, tòa nhà trở thành tiệm bách hóa MAGASIN PACIFIC, đồng thời khi đó mặt tiền của nó cũng được sửa lại, san phẳng giống như Eden bên cạnh.
Hình ảnh hoa văn trên cửa của nhà xuất bản:
Một số hình ảnh Nhà hát Lớn năm 1940 trên phố Paul Bert, nay là Tràng Tiền:
Đây là là công trình quan trọng nhất trên phố Paul Bert, được khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng có quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã giữ vai trò là một trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật suốt hơn 1 thế kỷ qua.
Hình ảnh trụ sở hãng xe hơi Ford ở góc đường Laubarède – Bobillot (góc Đặng Thái Thân – Lê Thánh Tông ngày nay):
Tòa nhà này ngày nay vẫn còn, là trụ sở Mercedes-Benz Hoàn Kiếm.
Tấm bảng này nằm ở góc đường Đồng Khánh – Paul Bert (nay là Hàng Bài – Hàng Khay)
Một số hình ảnh cầu Doumer (nay là cầu Long Biên):
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng được Toàn quyền Đông Dương Doumer cho xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 và khánh thành năm 1902. Thời điểm đó, đối với người An Nam, việc xây dựng một cây cầu kỳ vĩ như vậy bắc qua một con sông rộng và sâu như sông Hồng là việc làm không tưởng.
Công trình đồ sộ này có chiều dài 1.680 mét tính từ hai mố biên bằng đá, gồm 19 nhịp chắc chắn (tổng cộng có 20 trụ cầu và mố biên) được dựng trên các dầm thép. Trụ cầu cao 43,5 mét: 30-32 mét trong lòng đất (dưới mực nước thấp nhất của sông Hồng vào mùa cạn) và 13,5 mét từ mặt nước. Vì lòng sông rộng nên móng được làm trong môi trường khí nén.
Một số hình ảnh nhà máy công ty xăng dầu Texaco của Mỹ ở Hà Nội:
Công ty Texaco có mặt ở Hà Mội từ rất sớm, là 1 trong 3 hãng xăng lớn có mặt ở Hà Nội sớm nhất, cùng với Shell và Socony.
(Còn tiếp phần 2)