Xa lộ Biên Hòa được khởi công vào tháng 7 năm 1957 thời Đệ Nhất Cộng hòa, hoàn tất vào Tháng Tư năm 1961 với tổng chiều dài 31km.
Điểm đầu và điểm cuối của Xa Lộ được xem là 2 cây cầu nổi tiếng: Cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn dài gần 1km) bắc qua sông Sài Gòn, và cầu Đồng Nai dài gần 0.5km bắc qua sông Đồng Nai. Tuy nhiên thực tế Xa Lộ Biên Hòa còn nối dài từ cầu Tân Cảng vào đến ngã tư Hàng Sanh (Hàng Xanh), và từ cầu Đồng Nai đi thêm 15km cho đến Ngã 3 Chợ Sặt của Biên Hòa.
Ở dưới đây là hình ảnh tổng thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành Xa Lộ Biên Hòa vào ngày 28/4/1961, được xem là Xa Lộ tân tiến nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Sau đó vài năm, có một xa lộ khác được xây dựng, cắt ngang Xa Lộ Biên Hòa tại vị trí Trạm 2, do công binh quân đội nước Đại Hàn xây, nên được gọi là Xa Lộ Đại Hàn, nối từ Trạm 2 về tới An Sương, nay là 1 đoạn của Quốc Lộ 1A.
Xa Lộ Biên Hòa được tập đoàn RMK – BRJ của Mỹ thi công. Đây là tập đoàn đã xây dựng lớn đã phụ trách rất nhiều công trình quân sự cũng như dân dự tại miền Nam trước 1975 mà ai sống vào thời đó đều biết đến. Đã có một thời người Sài Gòn đổ xô đi nộp đơn xin làm cho hãng RMK-BRJ vì được trả lương rất hậu hĩnh.
Ngày 10 tháng 10 năm 1984, để kỷ niệm 30 năm giải phóng Hà Nội, chính quyền đổi tên Xa Lộ Biên Hòa thành Xa Lộ Hà Nội. Tuy nhiên cho đến nay nhiều người vẫn quen gọi xa lộ cửa ngõ của Sài Gòn này bằng cái tên cũ: Xa Lộ Biên Hòa.
Đây là con đường chính để đi từ nội ô Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, là trục con đường Cái Quan năm xưa.
Xa Lộ Biên Hòa cũng đã được nhắc đến trong phim và nhạc, với bộ phim mang tên Xa Lộ Không Đèn và bài hát cùng tên của nhạc sĩ Y Vân đã được ca sĩ Phương Dung trình bày rất thành công.
Click để nghe Phương Dung hát Xa Lộ Không Đèn
Trên trục đường của Xa Lộ Biên Hòa, có những địa điểm, công trình nổi tiếng như Ngã 4 Hàng Xanh, cầu Tân Cảng, Ngã Tư Thủ Đức, Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà Máy Điện, Công ty Xi Măng Hà Tiên, cầu Suối Cái, dốc Thiên Thu, Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, Cầu Đồng Nai.
Hãy cùng xem lại những hình ảnh xưa của Xa Lộ Biên Hòa sau đây:
Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn