Bài viết này là phần đầu tiên của bộ tuyển chọn những tấm ảnh màu đẹp nhất của Sài Gòn trước năm 1975. Điểm khác biệt của loạt bài là những hình ảnh được tuyển chọn đều rất sắc nét, là những góc ảnh rực rỡ nhất của đô thành năm xưa mà bạn có thể chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Dưới mỗi ảnh đều có thuyết minh về địa điểm, vị trí chụp ảnh để bạn đọc tiện so sánh với những góc đường thân thuộc của Sài Gòn ngày nay.
Hình chụp trung tâm quận ba Sài Gòn của tác giả William S. Fabianic. Đây là đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) lúc còn cho lưu thông 2 chiều. Đoạn trong hình là ngã tư Phan Đình Phùng và Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo).
Một góc ảnh đường Tự Do thập niên 1960, nhìn rất trang nhã và sạch sẽ. Từ thế kỷ 19 đến nay, đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi này vẫn luôn là tuyến đường sang trọng và đắt đỏ bậc nhứt Sài Gòn.
Đại lộ Thống Nhứt, con đường rộng rãi và thoáng mất bậc nhứt Sài Gòn với nhiều cây xanh, đi từ Thảo Cầm Viên, qua Vương Cung Thánh Đường, xuyên qua lòng Công viên Thống Nhứt để chạy thẳng vào dinh Độc Lập.
Nhà Hát, Opera House được người Pháp xây đầu thế kỷ 20. Đến năm 1955, được chánh quyền Đệ Nhứt Cộng Hòa trưng dụng để làm tòa nhà Quốc Hội. Sau khi chánh quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Quốc Hội bị giải tán trong thời kỳ quân quản 1963 đến 1967. Thời gian này Opera House được gắn cái biển là Nhà Văn Hóa như trong hình bên trên, được chụp vào năm 1964.
Sau năm 1967, nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập, cuộc Tuyển cử năm đó đã bầu lên quốc hội chính quy. Khác với nền Đệ Nhất Cộng hòa, Quốc hội lần này chia thành hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Từ đó tòa nhà Opera House được đặt làm trụ sở Hạ Nghị Viện, còn Thượng Nghị Viện được đặt ở Hội Trường Diên Hồng.
Nhà BOQ ở đường Hai Bà Trưng năm 1965. BOQ là Bachelor Officer Quarters, là bản doanh dành cho các sĩ quan Mỹ độc thân. Nhà này vốn là khách sạn Brink Hotel, sau năm 1965 được sử dụng làm trú quán cho các sĩ quan Mỹ.
Ngoài các BOQ thì còn có BEQ (Bachelor Enlisted Quarters) là bản doanh dành cho các binh sĩ độc thân. Theo thống kê, chỉ riêng vùng Sài Gòn – Gia Định có hơn 100 BOQ và BEQ.
Nữ sinh trường Lê Văn Duyệt đi học về ngang qua Lăng Ông (lăng của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt) ở Bà Chiểu – Gia Định.
Công trường Mê Linh năm 1965. Đây là nơi tàu Pháp thả neo khi đổ bộ chiếm thành Gia Định năm 1863.
Thời VNCH, nơi giao lộ này được đặt tên là Công Trường Mê Linh, và con đường dẫn từ chỗ này về đến Phú Nhuận được đặt tên là Hai Bà Trưng, là 2 anh hùng dân tộc đã đặt kinh đô tại Mê Linh. Cùng hướng ra Công trường Mê Linh còn có đường Thi Sách, là tên của phu quân Trưng Trắc, cũng là một phần nguyên nhân cuộc khởi nghĩa.
Từ năm 1962, ở vị trí công trường này có xây dựng một tượng đài Hai Bà Trưng, nhưng chỉ 1 năm sau đó bị đập bỏ để xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo vẫn còn đến ngày nay.
Các biển quảng cáo ở phía trước chợ Bến Thành này đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các tấm ảnh Sài Gòn xưa.
Continental Palace, khách sạn sang trọng đầu tiên của Nam Kỳ được hoàn thành năm 1880. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.
Nơi này đã đón rất nhiều vị khách nổi tiếng không thể kể hết, từ ông hoàng nước Nga cho đến đại thi hào Ấn Độ Tagor, nhà văn Andre Malraux, Somerset Maugham, diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss, cựu Tổng thống Pháp Chirac…
Khách sạn Nam Đô đường Nguyễn Thái Học năm 1969.
Cảnh sát công lộ trên đại lộ Lê Lợi. Phóa xa là tòa nhà 5 lầu, tầng trệt là tiệm cơm Thanh Bạch, lầu một đến lầu hai thuộc về nhà hàng và khiêu vũ trường Olympia (tên cũ là Thiên Hương). Kê bên đó là Y viện Sài Gòn được xây dựng từ năm 1903, thường được gọi là Nhà thương thí.
Năm 1937 nhà thương thí được tái thiết rồi mang tên bác sĩ Dejean de la Bâtie. Ông Hứa Bổn Hỏa (tức chú Hỏa) góp chi phí để xây dựng lại nhà thương, nên người Sài Gòn cũng gọi đây là nhà thương Chú Hỏa. Hiện nay, nơi này là Đa khoa Sài Gòn tại số 125, đường Lê Lợi, P Bến Thành, Q1.
Góc đường Tự Do – Ngô Đức Kế (tên thời Pháp là Catinat – Vannier) với 1 tòa nhà nổi tiếng là Saigon Palace Hotel, hiện nay là Grand Hotel. Ở tầng trệt của Khách sạn Saigon Palace này là hiệu may COYA nổi tiếng.
Một đoạn đường Tự Do năm 1966. Dãy nhà trong hình nằm giữa Nguyễn Thiếp và Lê Lợi, gắn liền một khối với Phòng Thông Tin Đô Thành.
Cổng mái vòm có đường hẻm xuyên qua tòa nhà để đi thông qua đại lộ Nguyễn Huệ. Bên trong là khu thương mại và có hàng quán. Ngày nay lối đi này vẫn còn với các hàng bán đồ lưu niệm cho du khách.
Bên phải của hình có thể thấy có Tiệm đồng hồ Longines, là tiệm hàng hiệu độc nhất dành cho giới siêu giàu.
Đường Hồng Thập Tự năm 1968, đoạn giao với đường Công Lý (ngày nay là ngã 4 Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đoạn kẽm gai là bờ tường của Dinh Độc Lập. Thời điểm này đang xảy ra biến cố Mậu Thân nên kẽm gai giăng khắp thành đô.
Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, ngày nay là trụ sở Quân Khu 7 đường Hoàng Văn Thụ
Nhà Quốc Tế (International House) ở số 71 Nguyễn Huệ, một câu lạc bộ của người Mỹ do đại sứ quán quản lý.
Vương Cung Thánh Đường, được người dân gọi là Nhà Thơ Đức Bà được chụp từ phía đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch)
Công viên Chi Lăng trên đường Tự Do năm 1965, đoạn gần Lê Thánh Tôn. Ngày nay công viên này đã bị Vincom chiếm dụng. Đây là công viên độc đáo, được xem là một vườn treo nằm ngay giữa trung tâm sầm uất nhất của đô thành, trên con dốc góc Tự Do – Lê Thánh Tôn (nay là Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn).
Góc ngã 3 đường Tự Do – Hồ Huấn Nghiệp năm 1965. Hướng nhìn đâm ra công trường Mê Linh.
Góc ngã tư lâu đời nhất của Sài Gòn, giao giữa 2 đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, xưa là Chaner và Bonard, 2 con đường xa hoa bậc nhất của Nam Kỳ. Ở giữa là hồ nước bùng binh Bồn Kèn, sau này gọi là Bùng Binh Cây Liễu. Phía bên kia là Thương Xá Tax nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ với dãy kiosque thương mại. Góc ảnh này thể hiện được Sài Gòn đẹp, phồn hoa nhưng cũng thật bình yên.