Xua

Tạn mạn về chốn xưa “Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa” _s2

Hồi trước, ở Sài gòn, cánh đây lâu lắm, tròm trèm… nửa thế kỷ lận nhen, tất cả cái loại xe hơi, hai đèn trước đều phải có “mắt mèo”, nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là… hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều!

Bởi vậy, bác tài có muốn… chơi ác pha đèn, cũng bó tay!!!

Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình!

Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”…

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để… quơ tay đón, và cũng có ý là nếu hỏng phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách kiếm chút cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái!

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà giơ tay đón, để cho khỏi lộn với xe du lịch!

Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng riêng để dễ phân biệt với xe đò.

Ví dụ Xe Buýt Vàng thì sơn màu vàng đặc trưng khác thiên hạ.

Bến xe nầy ở gần Bà Quẹo, mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng…

Kế bến xe buýt vàng nầy có hãng cơm xấy Hồng Hoa (?) làm cơm sấy cho lính…

Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn… hỏng nên thuốc!

Bắt đầu 18 – 20 tuổi mới cho thanh niên lái xế hộp 4 bánh du lịch để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài trẻ mới lên được 1 “hạng”, rồi cày vô lăng vài năm nữa, mới cho mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài vô tuổi trung niên rồi, nên hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà chạy ẩu!

Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được!

Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cáng mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!

Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ khộng ai lấy Tên Riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây!

Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc đứng ở xa, cũng thấy!

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường…

Còn chùa thì có chữ “tự” dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự…

Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có 2 chữ, chữ đầu luôn luôn là chữ “kim”, ví dụ: Tiệm vàng Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sen, Kim Hoàng, Kim Phát…

Địa Danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái) mà dùng chử Thới: Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới (Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính QT), Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc), Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre…)

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ 2 nếu có mở rộng đường xá thì khỏi phải dời nhà…

Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên hỏng ai ham lú mặt ra đường!

Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai dám gan, tới chỗ đó tự nhiên cất nhà…

Nếu gan cùng mình, cất nhà đại thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi Bằng Khoán đất, hỏng có, thì “coi như” gia chủ xách tụng đi ăn mày ở tòa bố!

Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tất đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”!

Thằng nào “hết xài” thì nó chỉ còn nước đội quần mà đi, nhục lắm!

Ở Sàigon, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học:

Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ

Trường Hàm Thụ là trường mà hỏng ai tới trường!

Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”. Nghĩa là, cứ đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẫm đồng sâu nước mặn…

Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời thì ghi danh học Trường Hàm Thụ, trường sẽ gởi Bưu Điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp.

Cứ thế… cứ thế…

Chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi.

Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!

Trường Tư Thục thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập.

Trường Công Lập là trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học.

Đặc biệt, trường Công Lập nam nữ lại cho học riêng, như:

Trường Công Lập Nữ Trung Học: Lê văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương…

Trường Công Lập Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử…

Ở trường công nam, Nam Sinh mặc đồng phục Quần xanh áo trắng bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ nên đố thằng nào dám hó hé!

Ở trường công nữ, Nữ Sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng.

Có thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng” bắt chước mấy cô Ca sĩSàigòn, bận áo dài vạt “lửng”, còn tay áo thì kiểu “rặc lăn”, là tay áo dài nối vô thân áo.

Thiệt quả là báo đời một phen!

Mấy anh chàng Nam Sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa”, nên nhiều thằng dòm quí nàng áo dài vạt lửng bước đi với tà áo (cố tình) thước tha yểu điệu, tụi đực rực áp nhau thấy, tụi nó rụng rúng bầy bầy! Hì hì…

Bởi vậy mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị cồng-sing!

Và thấy tiếp ở Sàigòn năm xưa…

Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng…

Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi), rồi ung dung ngồi xuống, mở nấp vòi, ịn đầu bơm hơi vô vòi ruột xe để cho nó tự bơm, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm.

Bơm xe như vầy, nghe nó phẻ cách gì, chớ 2 tay “thụt ống bơm” mệt lắm!!!

Nhưng, úi chà, cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là nước không hà!

Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê văn Duyệt và bên kia đường, có rất nhiều ruộng rau muống xanh um!

Theo Chàng Hiu (dansaigon.com)

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *